Phòng trị bệnh rối loạn hô hấp ở lợn nái
Triệu chứng
Đây là bệnh do virus gây ra làm thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế với một số biểu hiện đặc trưng như:
Lây lan rất nhanh giữa các đàn heo, ở mọi lứa tuổi; heo nái sảy thai, thai chết lưu, mất sữa, vô sinh (chu kỳ động dục dài và bất thường); Heo con theo mẹ còi cọc, dễ kế phát và chết do các bệnh phân trắng heo con, sưng phù đầu… Heo thịt sốt, bỏ ăn, thường chết do kế phát các bệnh truyền nhiễm khác như: Dịch tả, tụ huyết trùng, tiêu chảy, suyễn heo… virus làm suy giảm hệ miễn dịch, dễ dàng kế phát các bệnh truyền nhiễm khác. Virus có thể phát tán, lây lan thông qua các hình thức:
Trực tiếp: Heo khỏe tiếp xúc với heo ốm, heo mang trùng hoặc các nguồn có chứa virus (phân, nước tiểu, bụi, nước bọt, thụ tinh nhân tạo).
Gián tiếp: Qua dụng cụ chăn nuôi và dụng cụ bảo hộ lao động nhiễm trùng, phát tán qua không khí (từ phân, các hạt bụi chứa virus có thể theo gió đi xa tới 3 km), chất thải mang virus được xem là mối nguy hiểm, lây lan mạnh ở trong các vùng dịch.
Phòng bệnh
Để chủ động phòng bệnh, người nuôi cần áp dụng một số biện pháp sau:
Tiêm phòng vaccine phòng bệnh theo hướng dẫn của ngành thú y.
Chú ý vệ sinh chuồng trại: Có thể nói đây là biện pháp tuy đơn giản nhưng thực tế người chăn nuôi chưa chú trọng và thật sự quan tâm. Biện pháp này có tác dụng rất quan trọng nhằm loại trừ và hạn chế mầm bệnh sinh trưởng và phát triển. Hai công đoạn cần làm trong vệ sinh chuồng trại là vệ sinh cơ giới và phun thuốc sát trùng. Vệ sinh cơ giới là quét dọn, rửa chuồng, khơi thông cống rãnh không để ứ nước đọng (Lưu ý: khâu này cần được làm hàng ngày). Sau đó, phun thuốc sát trùng. Một số loại thuốc sát trùng có hiệu quả cao, an toàn như Virkon, Halamid, Bencocid… tốt nhất là phun định kỳ cả khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Ngoài ra, các trang trại cần dùng các hố sát trùng và rắc vôi bột ngoài khu vực chuồng nuôi. Các hộ nuôi trong gia đình, cần lưu ý hệ thống thoát nước thải ra ngoài khu dân cư, tốt nhất có hệ thống biogas để bảo vệ môi trường.
Hiện nay có nhiều sản phẩm khử mùi hôi trong chuồng có tác dụng rất tốt để xử lý chuồng trại, người nuôi có thể lựa chọn để sử dụng.
Thức ăn cần phải đảm bảo dinh dưỡng đủ chất và đủ lượng. Nước uống đủ và sạch. Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin để giúp cho con vật nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh. Đối với heo, có thể bổ sung một số vitamin, khoáng chất, chất điện giải trực tiếp vào thức ăn, nước uống.
Định kỳ thăm khám cho heo, khi phát hiện con vật không bình thường (bỏ ăn, sốt, ho, thở nhanh, tiếng thở khò khè, đi đứng không bình thường, thích nằm…) cần tách nuôi nhốt riêng để theo dõi, kiểm tra, nếu không thấy tiến triển tốt cần báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp phòng, trị bệnh tích cực.
Với heo giống có nhu cầu vận chuyển từ nơi này sang nơi khác, cần chú ý vận chuyển vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, cho uống thêm Glucose, điện giải, Vitamin C để tăng sức đề kháng, ngoài ra tuân thủ các quy trình vận chuyển, thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Người nuôi cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh trên sẽ đảm bảo sức khỏe cho heo.